Nhiều vấn đề bất cập còn xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư |
Ủy ban Nhà ở của Singapore luôn tự hào, khi những năm 1960, khi số chung cư mà nơi đây quản lý mới 31 nghìn căn, cho đến nay với hơn 80% người dân sở hữu, số tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay quốc gia được mệnh là đất nước của chung cư là Hàn Quốc, người dân nơi đây cũng tự hào khi sở hữu chúng và cho rằng chính bản thân mình đã xây dựng nên một nền văn hóa chung cư với những tiêu chuẩn cao cho việc cư trú.
Quản lý chung cư ở Singapore hay Hàn Quốc đều kiểu giống nhau khi chủ đầu tư xây dựng luôn đội ngũ quản lý bao gồm các bộ phận như: vệ sinh, chăm sóc cảnh quan, quản lý an ninh và định kỳ nâng cấp chung cư để giữ vững giá trị cũng như tạo một môi trường hiện đại cho cư dân sinh sống. Điều mà các nước này quan tâm là họ đã tạo dựng được ở mỗi cư dân một văn hóa sống mà ở đó từ chủ đầu tư cho đến cư dân đều có một môi trường giao hòa, bình đẳng.
Từ câu chuyện quản lý cộng đồng cư dân ở Singapore hay Hàn Quốc, nhìn vào thực tế, những cư dân đang sống trong các chung cư tại Việt Nam không khỏi chạnh lòng. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một cư dân ở chung cư 4S Riverside tại quận Thủ Đức đã bị người của chủ đầu tư đánh vỡ đầu vì tranh chấp nhỏ nhặt. Một tháng sau, nhiều cư dân khác sống tại căn hộ Era Town ở quận 7 trở thành nạn nhân khi phản ứng với Ban quản lý chung cư do một số hoạt động của họ không minh bạch. Ngay lập tức, các cư dân bị nhóm người lạ tấn công đổ máu.
Việc tranh chấp dẫn đến đổ máu không chỉ xảy ra tại các chung cư ở TPHCM mà có ở một số thành phố lớn. Bức tranh sống ở chung cư ngày thêm tối màu, khi những nảy sinh giữa chủ đầu tư với ban quản trị khi giành quyền quản lý phí bảo trì, rồi tranh chấp giữa cư dân và ban quản trị vì thu phí hàng tháng cao chót vót trong khi chất lượng sống tệ hại; với tình trạng lạm quyền, trục lợi trên tiền của cư dân.
Mới đây, qua một cuộc khảo sát của Sở Xây dựng Tp.HCM với 30 chung cư trên địa bàn, có 8 chung cư đang xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu chung - riêng. Người ta dễ dàng nhớ đến những nguyên nhân gây nên cuộc chiến chung cư như một số quy định chưa rõ ràng về xác định diện tích ở; quyền sở hữu nơi để xe của chung hay của chủ đầu tư trong khi nhiều nơi chủ đầu tư không mặn mà tổ chức hội nghị bầu ban quản trị hoặc không chuyển kinh phí bảo trì cho ban quản trị… Có nơi ban quản trị được chủ đầu tư “dựng lên” rồi lạm quyền và trục lợi mặc dù năng lực điều hành yếu, gây không ít bức xúc cho người dân.
Chúng ta có thể thấy, hàng loạt thông tư mà Bộ Xây dựng vừa ban hành nhằm siết tình trạng bát nháo, lộn xộn tại các chung cư hiện nay nhưng xem ra hiệu quả chưa như mong muốn. Người ta chỉ ra nhiều lỗ hổng trong quản lý chung cư hiện nay. Tuy nhiên có một lỗ hổng mà ít người thấy là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi đã hái quả ngọt từ những người mua nhà.